Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, người ta in thêm tiền để cho vay phát triển, bảo lãnh cho giá trị số tiền này là những gì người vay sẽ làm để trả lại cộng thêm lãi. Các phương án kinh tế được tính toán trừu tượng trong chân không, nhưng khi thực hiện chúng chỉ có thể ở ngoài đời thật, trong môi trường thật. Trái đất thì có hạn, lòng tham con người thì vô hạn, họ in tiền vay tiền nhiều hơn tài nguyên trái đất (con người cũng là tài nguyên) có thể trả lại. Người vay nợ chỉ có một cách duy nhất là đào bới, bóc lột, bán đứng, đầu độc trái đất ngày nào còn có thể, để trả nợ lẫn lời.
Các nước giàu canh giữ nghiêm ngặt môi trường của họ, công nghiệp dơ và rác bẩn được đưa tới các nước lạc hậu, thiếu hiểu biết và xem một nắm tiền nhanh quí hơn thứ vô giá của họ, là thiên nhiên.
Một sáng cách đây 15 năm ở làng Cự Trữ, Nam Định, tôi ra chợ, nhìn thấy một rổ ổi ngon nên muốn mua. Người bán nói 1 ngàn đồng. Có một người đến trước tôi mặc cả, chỉ muốn trả 800 đồng. Người bán nói mỗi ngày tiền chợ trông cả vào vườn ổi, đừng mua rẻ tội. Cuối cùng họ ngã giá 900 đồng. Tôi nghĩ, có 900 đồng làm sao mà sống (năm đó, xe ôm từ Đội Cấn về Tràng Tiền ở Hà Nội đã mất 5 – 7 ngàn). Nhưng đến lúc nhìn thấy cô bán ổi cầm 900 đồng đi mua được một con cá chép và ít rau tôi mới hiểu. Tiền chỉ là phương tiện trao đổi, giá trị của nó chỉ là một thoả thuận giữa một số người. Nếu số người này ít, chỉ vài mươi gia đình trong một ngôi làng, thì giá trị thoả thuận đó gần gũi và dễ công bằng. Họ trồng lúa, dệt khăn, có xưởng mộc, ao cá, vườn rau, vườn cây ăn trái. Họ ăn ngon. Nhà cửa họ sạch sẽ. Làng của họ rất đẹp, có bao nhiêu tiền cũng không xây được.
Người làng cầm vài ngàn ra tới Hà Nội đã ngơ ngác vì thấy mình quá nghèo, nói gì đến một thế giới rộng lớn, nơi giá trị đồng tiền được định một cách trừu tượng, theo những qui luật mà một người làng tới chết cũng không thể nào hiểu được.
Lần đó, tôi hiểu dân làng hoàn toàn có thể tự nuôi nhau một cách thư thả êm đềm, bất kể thu nhập đầu người, bất kể chỉ số tăng trưởng. Tất cả những gì tôi ước mơ cho họ, là văn minh vật chất đừng vội vã tràn tới đây. Để trao đổi với văn minh, họ thua thiệt quá. Đất đai, sông nước, con cá, rổ ổi, những chiếc khăn thưa dệt bằng khung gỗ thô sơ, nào bán được mấy đồng, mua lại được gì?
Xin đừng nói tôi muốn đi ngược phát triển. Điều tôi muốn nói là phát triển chỉ nên đi cùng nhịp với hiểu biết, với sự trân trọng và trách nhiệm của con người với thiên nhiên và giữa con người với nhau, để không có gì bị đem bán rẻ và tàn phá trong cuộc trao đổi. Đến bát nước rau muống vắt chanh ngon bổ rẻ nhất của miền Bắc chúng ta cũng để mất vì sợ ngộ độc. Vì sao? Trong phát triển kinh tế, kẻ tới sau hối hả chụp giựt vì sợ mình không kịp ăn kịp hưởng những thứ người ta đã hưởng lâu rồi. Hối hả, kẹt xe, đi không tới.
Nhiều người sẽ nói tôi biết gì mà nói. Và thật, tôi không học kinh tế. Vì không biết gì, tới hôm nay tôi vẫn chưa bao giờ dám mở miệng kể về rổ ổi và con cá ở làng Cự Trữ. Và cũng không có ý định. Nhưng tôi nhận ra là chỉ để cho những chuyên gia kinh tế nói, tất cả chúng ta phải im là một sai lầm. Trái đất cần có luật sư bảo vệ và đó là chuyện của tất cả mọi người xem trái đất là là quê hương duy nhất chứ không phải cái mỏ để đào bới và đầu độc.
Đoàn Minh Phượng
Gửi phản hồi